Dự kiến vào khoảng giữa tháng 12-2018, hạ tầng khu dân cư Đại Nam sẽ hoàn chỉnh, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cũng sẽ hoàn tất trước Tết Nguyên Đán.
Theo kế hoạch, trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn tất giao dịch, người mua sẽ được ký công chứng chuyển để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để cung cấp thêm thông tin về khu dân cư này, ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng Lò Vôi) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam chia sẻ thêm thông tin về dự án.
- Thưa ông, vì sao ông lại chọn ấp 3, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dân cư Đại Nam lên tới gần 100 ha đất?
Bình Phước là một tỉnh được tách ra từ tỉnh Sông Bé (cũ), do đó vị trí của Bình Phước rất thuận lợi nhờ nằm trên trục quốc lộ 13, nối tiếp tỉnh Bình Dương. Đây là một tỉnh đang có sức hút đầu tư về công nghiệp rất lớn, lan tỏa rộng và có mức độ phát triển rất cao.
Huyện Chơn Thành, Bình Phước là một vị trí của tương lai, tương tự như Dĩ An (Bình Dương) giáp ranh TP.HCM. Do đó, nơi đây sẽ phát triển về công nghiệp rất đặc biệt và có quy mô lớn. Đồng thời, để đáp ứng sự phát triển của công nghiệp, các vấn đề về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phát triển đô thị nhằm phục vụ cho cư dân là nhu cầu bức thiết. Dự án khu dân cư Đại Nam với quy mô gần 100 ha sẽ như là một đô thị thu nhỏ thu hút và tạo sự dịch chuyển dân cư từ thị trấn Chơn Thành.
Khu dân cư Đại Nam có vị trí ngay cạnh khu công nghiệp (KCN) Hàn Quốc, KCN của Tập đoàn Cao su quy mô 350 ha, KCN Hải Vương (Công ty Hải Vương) quy mô 500 ha… đã được lấp đầy bởi hàng chục ngàn dân có công ăn việc làm đầy đủ, trong tương lai có thể lên đến 30.000 – 50.000 dân.
Đồng thời, dự án còn nằm gần các tuyến giao thông then chốt: quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh tạo thành một giao lộ sầm uất và có tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai nhờ hội đủ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa.
- Nhưng thưa ông, so với tỉnh Bình Dương, Bình Phước khá xa với TP.HCM. Vậy nơi đây có hội đủ các điều kiện về vĩ mô, kỹ thuật, tay nghề, số lượng nhân công để đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho công nghiệp sắp tới hay không?
Cổ nhân có câu nói rất hay "lúa thóc đi đâu – bồ câu theo đó", chính vì vậy khi phát triển công nghiệp tại Bình Phước hay Bình Dương cũng sẽ có sự dịch chuyển nhân công lành nghề qua lại lẫn nhau. Do đó, vấn đề đảm bảo số lượng nhân công sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Riêng đối với việc phát triển công nghiệp tại Bình Phước, vấn đề cần phải bàn bạc với chính quyền và đưa ra giải pháp chính là môi trường. Điều này có nghĩa là Bình Phước sẽ không hạn chế dự án ô nhiễm, xả thải… và chúng tôi sẽ đầu tư một công ty chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để có thể chuyển đổi chất xả thải thành nước sinh hoạt an toàn. Đây sẽ là điểm mấu chốt giải quyết tất cả các vấn đề về môi trường và thu hút lượng lớn các nhà máy như: dệt – nhuộm, sản xuất giấy, xi mạ, sắt thép…
Hiện nay, khi các địa phương đang khan hiếm quỹ đất công nghiệp và dân cư, giá cả đắt đỏ thì Bình Phước có lợi thế rất lớn về quỹ đất chưa đô thị hóa nên rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp và song song đó là phát triển về đô thị. Khi công nghiệp phát triển, đô thị phát triển sẽ kéo theo dịch vụ phát triển song song.
- Khi việc dịch chuyển dân cư từ vùng phát triển cao về vùng đang phát triển, cụ thể là Bình Phước thì sẽ tốn một khoảng thời gian khá dài để di chuyển nhà cửa, gia đình… và sẽ mất nhiều thời gian để ổn định. Vậy Bình Phước có đủ điều kiện cơ sở để đào tạo nhân công tại chỗ nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp hay phải phụ thuộc vào các địa phương khác hoặc chờ di dân cơ học, thưa ông?
Ngoài dân cư địa phương sẽ có di dân cơ học và khi công nghiệp phát triển thì các vấn đề dịch vụ - thương mại sẽ phát triển theo. Do đó, quá trình đô thị hóa sẽ tự vận động theo để đáp ứng việc phát triển. Tương tự như trước đây, khi Bình Dương đang trên đà phát triển, xã hội cũng đặt ra câu hỏi này và hiện nay quá trình vận động phát triển ấy sẽ diễn ra tại Bình Phước.
Thêm vào đó, đặc thù địa chất của Bình Dương và Bình Phước là đất cứng, nền cao, chịu lực tốt, do đó sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn tại Bình Phước.
Với tầm nhìn của một người tiên phong trong đầu tư và phát triển công nghiệp, tôi nhận định Bình Phước, đặc biệt là Chơn Thành có một vị trí chiến lược và phát triển đồng bộ trong tương lai.
Chính vì vậy, ngay thời điểm này, Bình Phước phải có bước chuẩn bị để phát triển công nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được đơn giản hóa để tạo thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư.
- Trở lại với vị trí địa lý, huyện Chơn Thành cách TP.HCM khoảng 80km, cách Bình Dương khoảng 60km tính từ vị trí của Minh Hưng, và Bình Dương còn được ví như "sân sau" của TP.HCM nên tốc độ phát triển rất nhanh. Vậy với khoảng cách xa TP.HCM như thế, Bình Phước liệu có bắt nhịp được để phát triển hay không?
Thứ nhất, vấn đề 80km hay 100km sẽ được giải quyết khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ TP.HCM về Bình Phước chỉ còn khoảng 1 giờ lái xe. Còn hiện nay, với điều kiện thuận lợi của suốt tuyến Quốc lộ 13, xe cơ giới hầu hết được phép di chuyển ở tốc độ tối đa theo luật định, nên cũng chỉ mất 1h45 phút để về tới TP.HCM.
Vấn đề thứ hai, sau khi dỡ bỏ cầu Bình Lợi, Bình Phước có thể phát triển dần nhờ sông Sài Gòn sẽ là huyết mạch giao thông đường thủy, kết nối các điểm kho từ TP.HCM đến Bình Phước.
Thứ ba, việc cung cấp nước sạch tại Bình Phước rất dồi dào nhờ đập Phước Hòa.
Thứ tư, thuận lợi về quỹ đất dồi dào, kết cấu đất cứng, chi phí xây dựng nền móng rất tiết kiệm.
Thứ năm, giao thông di chuyển thuận lợi, kết nối giữa các vùng trong điểm lân cận và TP.HCM nhanh chóng.
Vấn đề chính yếu hiện nay là làm sao thu hút được nhà đầu tư, giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính và giảm thiểu tác động đến môi trường, vấn đề xả thải… Nếu hoàn thiện các vấn đề này thì việc phát triển công nghiệp tại Bình Phước sẽ rất nhanh chóng.
- Thưa ông, tình hình kinh tế thế giới gần đây có những biến động lớn, Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận cơ hội từ trong khó khăn, đó chính là sự đổ bộ của các doanh nghiệp đang có nhà máy tại Trung Quốc chuyển sang các khu vực lân cận. Vậy theo ông, Bình Phước có thể là nơi đón nhận được các dịch chuyển đầu tư này?
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc thế giới hiện nay được dự báo có thể lan rộng đến châu Âu. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thời cơ thì trong khó khăn đối với người khác lại là cơ hội đối với chúng ta. Và đây là thời điểm quan trọng của Việt Nam để có thể đón nhận các nguồn đầu tư có lợi.
Hiện nay, lợi thế lớn nhất của chúng ta chính là nhân công, môi trường chuyên nghiệp đúc kết từ mấy chục năm phát triển công nghiệp. Đồng thời, các thủ tục hành chính và hành lang pháp lý khác dần được tháo gỡ, Việt Nam chắc chắn sẽ đón nhận một khối lượng khổng lồ các nhà đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc.
- Với sự dịch chuyển cao như vậy, theo ông chúng ta nên đón nhận tất cả các nguồn đầu tư, hay nên chọn lọc các ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm, ít sử dụng nhân công?
Chúng ta không cần phân biệt các nguồn đầu tư, khi nền công nghiệp vận hành thì tự bản thân nó sẽ đào thải những yếu tố không phù hợp. Mấu chốt là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề phát sinh từ ngành đó như: xả thải, ô nhiễm môi trường…
Về vấn đề nhân công, hiện nay lực lượng lao động của nước ta rất dồi dào, thậm chí phải xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, chúng ta phải làm cho thị trường lao động Việt Nam trở nên khan hiếm, khi đó thu nhập của người dân sẽ tăng lên.
- Như vậy ông tự tin rằng khu dân cư Đại Nam nằm kế cận các KCN sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và doanh nghiệp của ông có thể giải quyết được?
Tôi đã bàn bạc với các cấp lãnh đạo về việc đầu tư một nhà máy xử lý nước thải ngay KCN Minh Hưng hoặc khu vực dân cư để xử lý nước thải, chuyển toàn bộ thành nước sạch để tái phục vụ cộng đồng. Mục tiêu trong tương lai của chúng tôi là nơi nào Công ty TNHH MTV Tân Khai (công ty con của Công ty Cổ phần Đại Nam - chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam) đến thì nơi đó sẽ không có nước thải ra môi trường.
- Vậy có nghĩa là người dân sống trong khu dân cư Đại Nam vẫn tận dụng được những cơ hội kinh doanh, phát triển về đô thị, dịch vụ, thu nhập… nhưng không bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường?
Quan điểm của tôi trong vấn đề này chính là xây dựng cho Bình Dương và Bình Phước một kế hoạch tổng thể về môi trường. Dù kinh tế phát triển đến đâu thì môi trường vẫn được bảo vệ như ban đầu, vẫn giữ được màu xanh cho thế hệ mai sau - Đó mới chính là phát triển bền vững.
- Thưa ông, câu hỏi cuối là dự án đã đầy đủ các vấn đề pháp lý hay chưa, và sau thời gian bao lâu người mua sẽ được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Hiện nay, dự án đã hoàn thiện đầy đủ các vấn đề pháp lý, đồng thời hạ tầng cũng đã và đang trong giai đoạn tiến hành và hoàn thiện. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ được tiến hành ngay sau khi hạ tầng hoàn thiện, cụ thể là đường giao thông. Hệ thống đường sá khu dân cư Đại Nam được đầu tư bài bản, kết cấu vững chắc, không giới hạn tải trọng của phương tiện lưu thông.
Vào khoảng giữa tháng 12-2018 hạ tầng sẽ hoàn chỉnh, hệ thống điện chiếu sáng cũng sẽ hoàn tất trước Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch, trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn tất giao dịch, người mua sẽ tiến hành ra công chứng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thêm vào đó, khoảng đầu năm 2019 chúng tôi sẽ khởi công xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, chợ… để phục vụ cho cư dân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khi dân cư chuyển về sinh sống.
* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ !
BÌNH LUẬN
Xem bình luận:
Phước|2018-12-02 07:06:33Trả lời
Trang: