Là đô thị vệ tinh giáp ranh quận 9 của TP.HCM, thành phố Biên Hòa đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư bất động sản với triển vọng sáng sủa.
Biên Hòa là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu của tỉnh Đồng Nai, bình quân từ 12 – 15%/năm. Hiện nay, hệ thống tiện ích, dịch vụ thành phố Biên Hòa phát triển rất đa dạng từ trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế cho đến trung tâm hội nghị - khách sạn 5 sao, trung tâm mua sắm quy mô lớn, khu du lịch sinh thái. Với vị trí liền kề TP.HCM, kinh tế tăng trưởng nhanh, lại đầy đủ tiện ích phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống, Biên Hòa đang dần mở rộng không gian phát triển như một đối trọng của TP.HCM tạo nên một lõi trung tâm phồn thịnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ đầu năm đến nay, đã có 1,2 tỷ USD vốn FDI được các doanh nghiệp giải ngân đầu tư vào tỉnh Đồng Nai; trong đó phần lớn dự án tập trung tại thành phố Biên Hòa. Hiện tại, 13 khu công nghiệp của Biên Hòa đạt tỷ lệ lấp đầy khảng 90%. Một số khu công nghiệp như Amata còn dự kiến mở rộng thêm để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng chú ý, gần đây dòng vốn FDI có xu hướng chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản và thương mại - dịch vụ. Nhiều tập đoàn lớn như Aeon (Nhật Bản), Auchan (Pháp), Keppel Land đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị thông minh tại đây. Mới đây nhất, 14 tập đoàn đến từ Hong Kong, Hoa Kỳ, Anh, Đức và Thái Lan cũng đã đến tìm hiểu và lên kế hoạch phát triển khu đô thị phức hợp quy mô 200 ha tại Biên Hòa.
Những năm gần đây, thành phố Biên Hòa rất chú trọng đầu tư hệ thống giao thông. Chỉ riêng năm 2018, thành phố đã dành ngân sách lên đến 36.000 tỉ đồng xây dựng đường trục trung tâm hành chính Biên Hòa, đường ven sông Cái, tuyến nối đường Bùi Hữu Nghĩa với Quốc lộ 1K, nút giao ngã tư Tân Phong…giúp tạo ra một diện mạo mới cho Biên Hòa.
Ngoài ra, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên cũng đã được quyết định sẽ kéo dài đến Biên Hòa khi đi vào hoạt động không chỉ giúp việc lưu thông trở nên thuận tiện mà còn làm gia tăng giá trị cho thị trường bất động sản Biên Hòa. Trong thời gian tới, một loạt công trình lớn với số vốn đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ còn được triển khai đầu tư tại đây như cao tốc và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đại lộ Bắc Sơn - Long Thành, các tuyến đường vành đai, cầu kết nối với quận 9 và sân bay quốc tế Long Thành sẽ hợp thành một hệ thống giao thông hiện đại, tạo động lực cho thị trường bất động sản bùng nổ.
Với con số thống kê hơn 1,2 triệu người, Biên Hòa là thành phố đông dân đứng thứ 2 của khu vực phía Nam, chỉ sau TP.HCM. Trong đó, hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và mỗi năm con số này có xu hướng tăng mạnh do còn đón nhận thêm một lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân và tri thức trẻ đến làm việc tại các khu công nghiệp. Dân số trẻ cùng mức thu nhập bình quân đầu người hơn 103 triệu đồng/người/năm cho thấy nhu cầu về nhà ở cũng như sử dụng dịch vụ, tiện ích của người dân Biên Hòa đang rất lớn. Đây là cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển ngày càng sôi động hơn.
Theo định hướng phát triển, thành phố Biên Hòa sẽ tập trung mở rộng không gian đô thị theo cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm dọc sông Đồng Nai, kéo dài về hướng Nam gắn với sân bay quốc tế Long Thành và phía Tây gắn với TP.HCM. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ giúp thành phố Biên Hòa khoác lên mình một diện mạo mới mà còn mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản khu vực vành đai như Hóa An, Phước Tân, Tân Hòa… phát triển.
Xét ở góc độ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Biên Hòa cũng có vị trí trung tâm liên kết tứ giác kinh tế chủ lực gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây cũng là đầu mối giao thông về đường thủy, đường sắt, đường bộ và trong tương lai còn có đường hàng không. Nền tảng này đảm đảo cho Biên Hòa phát triển ổn định về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
BÌNH LUẬN