Một loạt thông tin tích cực về các chỉ số phát triển đang giúp thị trường bất động sản Bình Dương khởi sắc rõ rệt và dự báo sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2018.
Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I
Mới đây, thành phố Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương. Là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Thủ Dầu Một bao gồm các chức năng: khu công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao; các tuyến, điểm du lịch quốc gia - quốc tế; trung tâm đào tạo của vùng; trung tâm dịch vụ cấp quốc gia...
Việc được công nhận là đô thị loại I sẽ tạo động lực quan trọng để thành phố Thủ Dầu Một phát triển theo đúng chương trình định hướng phát triển đô thị quốc gia và tỉnh Bình Dương, lan tỏa và hình thành thêm các khu đô thị mới.
Tuyến metro số 1 kéo dài đến Bình Dương
Phương án kéo dài tuyến metro số 1 từ ga Suối Tiên đến thị xã Dĩ An (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai) đã được thông qua. Trước đó, phương án kéo dài tuyến metro này cũng đã được tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chấp thuận. Dự kiến, tuyến metro 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020, kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và Bình Dương cũng như các tỉnh Nam Tây nguyên. Bên cạnh đó, tuyến metro cũng giúp đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và gia tăng giá trị bất động sản của Bình Dương.
Thu hút 27,7 tỉ USD vốn FDI
Trong 9 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp FDI đầu tư thêm gần 2 tỉ USD vào tỉnh Bình Dương, đạt 140% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này đã nâng vốn FDI vào tỉnh Bình Dương lên hơn 27,7 tỉ USD với gần 3.000 dự án. Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.560ha và 11 cụm công nghiệp với diện tích 802ha và là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư đến từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... Riêng khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương đã hình thành trên tổng diện tích hơn 4.000ha bao gồm khu công nghiệp, khu dịch vụ cao cấp, khu đô thị mới hiện đại với dân số khoảng 400.000 người. Khu liên hợp này mang ý nghĩa rất lớn, kết hợp cùng thành phố Thủ Dầu Một tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của Bình Dương trong thời gian tới.
Hạ tầng hiện đại
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, tạo kết nối thuận lợi với TP.HCM, ĐBSCL, Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư phát huy hiệu quả lớn như đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn giúp nối liền các khu công nghiệp của tỉnh với các cảng biển, sân bay...
Trong PCI năm 2016, có đến 59,1% doanh nghiệp được tham gia khảo sát đã chọn Bình Dương là địa phương có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp. Yếu tố quan trọng này không chỉ giúp Bình Dương phát huy vai trò liên kết vùng, thu hút vốn đầu tư thành công mà còn trở thành "nơi đáng sống" của doanh nhân, chuyên gia và người lao động từ khắp nơi đến lập nghiệp.
Kinh tế phát triển hiệu quả
Nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Năm 2016, công nghiệp và thương mại – dịch vụ chiếm đến 90% trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 135 triệu đồng/người. Trước nhu cầu cầu mua sắm, tiêu dùng ngày càng tăng của người dân, Bình Dương đặt mục tiêu sắp tới sẽ phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ theo xu hướng chung của các thành phố phát triển trên thế giới.
Hướng đến thành phố thông minh
Đề án thành phố thông minh Bình Dương là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030. Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động năm 2016, sau khi Bình Dương kết nghĩa với thành phố Einhoven (Hà Lan) và hiện nay các ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tại Bình Dương đã đưa các nội dung đề án thành phố thông minh vào định hướng hành động. Đề án này thực hiện thành công sẽ biến Bình Dương thành một đô thị hiện đại, phát triển đột phá dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.
BÌNH LUẬN