Dân số đông, vị trí liền kề TP.HCM, kết nối vùng thuận lợi và kinh tế phát triển nhanh là những động lực giúp cho thị trường bất động sản Biên Hòa tiếp tục tăng tốc trong thời gian sắp tới.
Dân số tăng kéo theo nhu cầu nhà ở
Theo thống kê chính thức, hiện nay thành phố Biên Hòa có trên 1,2 triệu dân, là đô thị có dân số đông thứ ba cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Trong đó có một lượng lớn là chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, lao động trẻ trình độ cao đang sinh sống và làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, với tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, mỗi năm Biên Hòa còn tiếp nhận hàng chục ngàn lao động nhập cư đến làm việc. Đây là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho thị trường bất động sản Biên Hòa phát triển về dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cũng như tích lũy tài sản bằng bất động sản của người dân.
Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
Là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai và nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua Biên Hòa đã luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế rất cao và ổn định với tỷ lệ từ 12-15%/năm. Hiện nay, Biên Hòa có 13 cụm, khu công nghiệp đang là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Bên cạnh công nghiệp, thành phố Biên Hòa cũng phát triển rất mạnh lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Thống kê cho thấy trên địa bàn đang có hơn 39 ngân hàng đặt chi nhánh, địa điểm giao dịch; nhiều thương hiệu lớn như Big C, MM Mega Market, Co.opmart, Lotte Mart, Vincom...cũng đã có mặt tại đây để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của Biên Hòa hiện nay cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng như tạo lập nhà ở, qua đó tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản phát triển.
Kết nối vùng tốt
Hệ thống giao thông của thành phố Biên Hoà gần đây đang trở nên hoàn thiện và mở ra khả năng kết nối với các khu vực phát triển trọng điểm như TP.HCM, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Vũng Tàu… Bên cạnh cầu An Hảo, hầm chui Ngã tư Tân Phong đã đưa vào sử dụng, hiện còn nhiều dự án trên địa bàn Biên Hòa đang trong quá trình xây dựng như đường ven sông Cái, đường trục trung tâm hành chính Biên Hòa, đường ven sông Đồng Nai, Hương lộ 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Các tuyến đường này đều liên kết với hệ thống giao thông trọng điểm quốc gia gồm quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành và hệ thống cảng biển quốc tế xuyên suốt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Riêng sân bay quốc tế Long Thành với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, nằm cách Biên Hòa chỉ 20 km được giới chuyên môn nhận định sẽ là "đòn bẩy" cho sự phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ của thành phố này mà cả các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ.
Vị trí liền kề TP.HCM
Một lợi thế khác của Biên Hòa là nằm cách TP.HCM chỉ một con sông Đồng Nai. Trong khi TP.HCM đang thực hiện chiến lược phát triển về hướng Đông thì Biên Hòa lại đang phát triển mạnh về hướng Tây và hướng Nam. Như vậy, hai thành phố sẽ dần "xích lại" gần nhau. Ngay cả tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên gần đây cũng đã được hai thành phố thống nhất sẽ xây dựng kéo dài tới Biên Hòa để gia tăng tính hiệu quả.
Ở góc độ khác, chính quyền thành phố Biên Hòa đã nhìn ra lợi thế của sông Đồng Nai và đang tập trung quy hoạch, phát triển không gian theo hướng đô thị sinh thái kết hợp du lịch và dịch vụ. Điển hình như dự án xây dựng khu đô thị sinh thái ven sông 72 héc ta trải dài từ phường Bửu Long, Hòa Bình, Thanh Bình, Bửu Hòa đến xã Hiệp Hòa và Hóa An. Sau khi dự án này hoàn thành sẽ mở ra một không gian vui chơi, giải trí mới phục vụ người dân địa phương và du khách đến với thành phố Biên Hoà. Như vậy, trong tương lai, Biên Hòa không chỉ trở thành một thành phố thương mại – dịch vụ phát triển gắn kết với sân bay quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển trên sông Đồng Nai mà còn là một đô thị sinh thái với môi trường đáng sống.
BÌNH LUẬN