Các phương thức xét tuyển đại học dành cho thí sinh năm 2021 đều đã khởi động: xét tuyển học bạ và kỳ thi Đánh giá năng lực bắt đầu từ tháng 3, xét tuyển nguyện vọng (NV) bắt đầu đăng ký từ 27-4,...
Với lợi thế đa dạng phương thức xét tuyển ở hầu hết các trường đại học, thí sinh hoàn toàn có thể kết hợp nhiều phương thức để nâng cao cơ hội trúng tuyển, giảm bớt áp lực thi cử cho mình. Tuy nhiên, dù lựa chọn xét tuyển theo phương thức nào thì ưu tiên số 1 vẫn nên dành cho những ngành học mà bản thân thí sinh yêu thích nhất, tạo điều kiện để học tập hiệu quả khi bước vào đại học.
Các phương thức xét tuyển có khác biệt nhất định, do đó, thí sinh cần nắm rõ quy định đối với phương thức xét tuyển mà mình lựa chọn để đảm bảo cơ hội trúng tuyển của bản thân.
Cụ thể, với xét tuyển NV, thí sinh có thể đăng ký số lượng NV không hạn chế, nhưng sẽ chỉ được xét trúng tuyển ở một NV ưu tiên cao nhất trong danh sách đăng ký. Do đó, lưu ý quan trọng nhất cho thí sinh vẫn là tập trung các NV đầu tiên cho những ngành, những trường mà mình yêu thích.
Các bạn có thể đăng ký NV1, NV2,... ở ngành và trường mình thích nhất (kể cả nếu điểm trúng tuyển các năm cao hơn so với điểm thi dự kiến của bản thân), sau đó đăng ký thêm NV vào các ngành yêu thích ở các trường thường có điểm chuẩn ngang với mức điểm thi dự kiến để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, với xét tuyển học bạ, tùy theo quy định của từng trường mà thí sinh có thể chọn một hoặc nhiều ngành để xét tuyển cùng lúc.
Chẳng hạn như Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) áp dụng hai phương thức xét tuyển học bạ gồm xét tuyển học bạ 03 kỳ và xét tuyển học bạ học bạ lớp 12 theo tổ hợp 03 môn, thì với mỗi phương thức thí sinh được chọn xét tuyển vào tối đa 03 ngành và được xét tuyển độc lập (không bị quy định bởi thứ tự ưu tiên).
Chẳng hạn, thí sinh xét tuyển học bạ 03 học kỳ, chọn 03 ngành lần lượt là Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu và Robot & trí tuệ nhân tạo. Nếu điểm xét tuyển của thí sinh cao hơn điểm trúng tuyển của cả 03 ngành này, thí sinh sẽ được công nhận trúng tuyển 03 ngành và có quyền chọn một ngành bất kỳ trong số 03 ngành này để nhập học.
Đây cũng là một trong những lợi thế quan trọng mà thí sinh xét tuyển học bạ có được trong cuộc cạnh tranh vào ngành học yêu thích, khiến xét tuyển học bạ trở thành phương thức "hot" trong mùa tuyển sinh năm nay.
Ở ngưỡng tuổi 18, không phải thí sinh nào cũng có thể xác định ngành học yêu thích của mình. Để chọn một sở thích nổi bật hài hòa được năng lực của mình, thí sinh cần tìm hiểu nhiều thông tin qua các bài trắc nghiệm nghề nghiệp, trắc nghiệm tính cách MBTI, tham khảo ý kiến phụ huynh, thầy cô, anh chị khóa trước, gặp chuyên gia tư vấn hoặc kênh hướng nghiệp ở các trường đại học,...
Hầu hết các ngành ở bậc đại học hiện nay đều có nhiều trường cùng đào tạo, với phương thức tuyển sinh và các mức điểm chuẩn khác nhau. Điều này giúp thí sinh có thêm cơ hội chọn ngành đúng sở thích và năng lực bản thân, kể cả khi điểm thi tốt nghiệp THPT không quá cao.
Ngoài ra, khi chọn trường đại học, thí sinh cũng có thể cân nhắc về môi trường đào tạo, định hướng đào tạo,... Chẳng hạn, các trường đại học ứng dụng với định hướng đào tạo thực tiễn sẽ giúp sinh viên phát triển năng lực nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm để dễ dàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Đây được đánh giá là mô hình đào tạo hiệu quả trong bối cảnh thị trường nhân lực nhiều biến động hiện nay. TS. Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng HUTECH - cho biết: "HUTECH tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thực tế thông qua các đợt tham quan, kiến tập, thực tập hay Học kỳ doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, nhà trường còn đẩy mạnh các đợt thực tập của sinh viên sớm hơn, để sau khi trải nghiệm thực tế, các em biết mình cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng trước khi chính thức gia nhập vào thị trường lao động.
Và sinh viên dù trúng tuyển vào HUTECH bằng điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hay thi ĐGNL thì cũng đều bình đẳng, học cùng chương trình và được tạo điều kiện tham gia các hoạt động trải nghiệm, Học kỳ doanh nghiệp,... để hoàn thiện bản thân, nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp yêu thích".
BÌNH LUẬN