Ứng dụng theo dõi sức khỏe, đưa ra các cảnh báo sớm và cung cấp thông tin cơ sở y tế đáng tin cậy theo phạm vi tùy chọn.
Đó là các tính năng nổi bật của ứng dụng hỗ trợ người có khả năng mắc bệnh ung thư do Nguyễn Thanh Hào, Nguyễn Hữu Thiên và Trần Như Tín - sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) xây dựng.
Đây là đề tài giành giải Đặc biệt của cuộc thi HUTECH IT Got Talent do khoa CNTT HUTECH tổ chức, với sự đồng hành của Hội Tin học TP.HCM (HCA) và 05 doanh nghiệp công nghệ gồm: Công ty TMA Solutions, Công ty FPT Software, Công ty Xboss, Công ty ORCO và Công ty Dek Technologies.
"Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, đặc trưng bởi khả năng xâm lấn nhanh vào các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của căn bệnh này có thể hạn chế nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Xuất phát từ ý tưởng đó, nhóm em muốn xây dựng ứng dụng có khả năng phân tích các số liệu, đưa ra cảnh báo sớm cho người có khả năng mắc bệnh ung thư dựa trên mẫu xét nghiệm máu thông thường", Nguyễn Thanh Hào, sinh viên năm 4 ngành CNTT cho biết.
Về mặt kỹ thuật, Hào chia sẻ, nhóm đã bắt đầu nghiên cứu bài toán phân lớp từ khi làm đồ án cơ sở (học kỳ II năm 3), cụ thể là tiền xử lý và cân bằng bộ dữ liệu để có thể xây dựng mô hình phân lớp trên cơ sở dữ liệu mất cân bằng về lớp.
Khi bắt đầu đồ án chuyên ngành, nhóm tiếp tục áp dụng thuật toán đã nghiên cứu để tăng độ chính xác của mô hình phân lớp. Để phát triển thành ứng dụng dự thi, nhóm tiếp tục bổ sung thêm nhiều tính năng mới như tích hợp mã QR Code để nhập liệu một cách thuận tiện và chính xác, áp dụng Google Maps để hướng dẫn người dùng liên lạc và đến được các cơ sở y tế hay bác sĩ chuyên khoa gần nhất...
Tranh tài tại cuộc thi với ban giám khảo gồm cả đại diện HCA và các doanh nghiệp, ứng dụng của nhóm sinh viên được đánh giá cao kết hợp khá tốt những công nghệ như API, Machine Learning,... và giá trị thực tiễn lớn, có khả năng phát hiện và tư vấn kịp thời các giải pháp cho người có khả năng mắc ung thư thông qua mẫu xét nghiệm máu thông thường, từ đó tăng cơ hội điều trị sớm căn bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, ứng dụng còn được tích hợp tính năng cập nhật liên tục những thông tin y tế từ các nguồn uy tín, giúp người dùng tránh tình trạng "Google trị ung thư" trong thời đại bão thông tin hiện nay.
Chia sẻ về những khó khăn và định hướng phát triển ứng dụng của nhóm trong thời gian tới, Thanh Hào cho biết: "Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào bộ dữ liệu về bệnh ung thư, về các bác sĩ và bệnh viện chuyên khoa cũng là khó khăn rất lớn khi nhóm thực hiện đề tài.
Và với khó khăn đó thì rất may mắn là nhóm được sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy Võ Đình Bảy (PGS.TS. Võ Đình Bảy - Trưởng khoa CNTT HUTECH) trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Nhóm cũng nhận được nhiều gợi ý, hướng dẫn để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ứng dụng và đưa ra thị trường".
Thương mại hóa sản phẩm công nghệ là hướng đi triển vọng cho nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên những năm gần đây. Như tại cuộc thi HUTECH IT Got Talent 2021 (cuối tháng 01 vừa qua), cùng với Ứng dụng hỗ trợ người có khả năng mắc ung thư của nhóm Hào, nhiều đề tài khác cũng được hội đồng doanh nghiệp đánh giá cao và đề xuất hoàn thiện để thương mại hóa.
Nổi bật như Ứng dụng nhận diện ung thư da (sinh viên Nguyễn Bá Triều), Ứng dụng hỗ trợ quản lý ngân hàng máu (Lý Minh Nhân, Nguyễn Công Đức), Điểm danh QR Code (Nguyễn Công Toại, Phan Thị Thanh Ngân, Phan Nguyễn Mạnh Hoàng), Bãi đỗ xe thông minh (Nguyễn Thành Tâm, Trần Cả Phú),...
PGS.TS. Võ Đình Bảy - Trưởng khoa Công nghệ thông tin HUTECH cho biết: "Khoa chú trọng các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, luân chuyển kiến thức từ chuyên gia công nghệ tại các doanh nghiệp hàng đầu đến trường và ngược lại, cũng như thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên.
Điều này vừa nâng cao khả năng ứng dụng thực tiễn, từ đó hoàn thiện chất lượng đào tạo, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên, vừa giúp các em có cơ hội cọ xát và gặt hái thành công thực tế từ chính những công trình trên giảng đường".
BÌNH LUẬN