TopCV, Color Me hay tMonitor là những dự án start-up đình đám của 9X 'phôi thai' tại Đại học FPT.
Đến thời điểm này, Color Me đã trở thành địa chỉ quen thuộc với bất kỳ ai "tay ngang" muốn học hỏi những kỹ năng cơ bản về thiết kế và nhiếp ảnh để phục vụ cho công việc. Ít ai biết khi bắt tay vào xây dựng Color Me, Nguyễn Việt Hùng - nhà sáng lập của trung tâm, mới chỉ là sinh viên năm 2 chuyên ngành Khoa học máy tính Đại học FPT.
Nhận thấy các bạn sinh viên có nhu cầu khá cao về việc học các kỹ năng, công cụ thiết kế để phục vụ cho công việc, Hùng nảy ra ý tưởng mở một khóa học trong thời gian ngắn với chi phí không quá cao dành riêng cho sinh viên.
Nhờ thế mạnh là đã có tới 5 năm liên tiếp học vẽ, Hùng quyết tâm mở những lớp thử nghiệm đầu tiên và nhận lại kết quả khá khả quan. "Thừa thắng xông lên", chàng sinh viên công nghệ chính thức thành lập Color Me.
Không có vốn, Nguyễn Việt Hùng vừa là CEO, Founder nhưng cũng đồng thời là nhân viên Marketing, thư ký, văn thư… cho chính dự án của mình.
"Thời gian đầu khi kinh phí còn hạn hẹp, mình thuê và mượn tất cả những gì có thể. Vì đặc điểm là loại sản phẩm trí tuệ, không có nhiều chi phí sản xuất nên tốc độ xoay vòng vốn của Color Me rất nhanh. Chỉ sau một vài tháng, Color Me đã có thể tự vận hành trơn tru trên vòng vốn của mình", Hùng kể.
Trong quá trình phát triển dự án, Hùng cũng gặp phải những vấn đề về nhân lực, quản lý… "May mắn là hồi đó mình đã được tiếp cận với cách quản lý số của Đại học FPT nên mình và các cộng sự đã tự xây ra những hệ thống, công cụ quản lý, giúp mình vừa học vừa quản lý hiệu quả hơn" - Hùng chia sẻ.
CV là vật "bất ly thân" với bất kỳ ứng viên nào muốn tham gia vào quá trình tuyển dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách làm một CV đẹp mắt và khoa học. Nhìn ra vấn đề đó, Trần Trung Hiếu - cựu sinh viên ĐH FPT, đã sáng lập TopCV - website tạo CV và giới thiệu cơ hội việc làm cho các ứng viên.
Theo Hiếu, sau gần 1 năm kể từ ngày ra mắt, TopCV đã có khoảng 10.000 người dùng. Con số này ở năm tiếp theo là 100.000 và đến nay, TopCV đã trở thành cái tên quen thuộc đối với hơn 1,5 triệu người dùng trong đó có khoảng 60% là sinh viên thuộc hơn 600 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Ứng dụng các kiến thức về Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) được học tại trường, Hiếu đã thiết lập để sản phẩm của mình có thể đưa ra những gợi ý ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiếu cho biết: "Hệ thống cung cấp công cụ hỗ trợ, quản lý CV thông minh và quản lý quy trình tuyển dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ chuyển đổi từ ứng viên tới giai đoạn phỏng vấn và trúng tuyển đi làm lên tới 50%".
Chàng cựu sinh viên ĐH FPT cho rằng: "Để có thể có được một sản phẩm tốt thì phải liên tục thử nghiệm, sai thì sửa lại. Khởi nghiệp thành công hay không cần nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực mình định làm".
tMonitor - hệ thống giám sát chất lượng không khí của Vũ Hải Nam, cựu sinh viên ĐH FPT, đã có mặt tại cuộc thi IBM Watson Build ở quy mô toàn cầu. Vòng chung kết được diễn ra tại thung lũng Silicon, Mỹ - nơi tập trung những tinh hoa công nghệ của thế giới.
tMonitor ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) để cung cấp các phép đo theo thời gian thực, nhận biết hàm lượng các loại bụi mịn và siêu mịn như PM 10, PM 2.5, PM 1 và các khí như SO2, CO, O3, CO2… với độ chính xác cao.
Ngoài ra, hệ thống còn đưa ra phân tích về điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhờ ứng dụng Học máy để kích hoạt cảnh báo, tMonitor có thể cảnh báo người dùng khi phát hiện những chỉ số bất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
"tMonitor có thể được lắp đặt trong các tòa nhà, văn phòng. Nó không chịu nhiều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự đang có trên thị trường", Hải Nam cho biết.
BÌNH LUẬN