Từ ngày 22-7, thí sinh cả nước bước vào giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học.
Trong "ma trận" điểm xét tuyển tối thiểu (tức điểm sàn) không có quá nhiều chênh lệch giữa các trường đại học, đồng thời mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh NV duy nhất một lần, nên điều chỉnh thế nào để đảm bảo cơ hội trúng tuyển?
Năm 2019, trừ các trường Y dược và Quân đội, Công an thì hầu hết các trường lấy ngưỡng điểm sàn dao động trung bình trong khoảng 15 - 20 điểm.
Đáng chú ý, nhiều trường đại học ngoài công lập năm nay có điểm sàn khá cao, như ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) từ 16 - 18 điểm (ngành Dược theo quy định của Bộ GD-ĐT), ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) từ 16 - 19 điểm...
Như vậy, thí sinh ở khoảng 16 - 20 điểm có rất nhiều lựa chọn - cả về trường lẫn ngành đào tạo - khi điều chỉnh NV.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý là điểm sàn này chưa phải điểm trúng tuyển. Chẳng hạn như tại HUTECH, điểm chuẩn hằng năm thường chênh lệch khoảng 1-3 điểm so với điểm sàn, tùy ngành.
Vì thế, thí sinh nên tham khảo điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn của các trường, các ngành mà mình quan tâm trong 2 -3 năm liên tiếp để có cái nhìn toàn diện nhất. Nếu điểm xét tuyển tương đối ngang bằng hoặc chênh lệch không nhiều so với NV xét tuyển ban đầu, thí sinh vẫn có thể giữ NV đã chọn.
Không chỉ là điều chỉnh NV xét tuyển, giai đoạn điều chỉnh cũng là cơ hội để thí sinh cân nhắc một lần nữa về việc chọn ngành, chọn trường - làm sao để có thể học đúng ngành yêu thích.
Nếu đã chọn đúng trường, đúng ngành, thí sinh có thể chỉ cần thay đổi tổ hợp môn để tăng lợi thế xét tuyển. Một thí sinh ban đầu đăng ký ngành Quản trị kinh doanh của ĐH HUTECH với tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), nhưng điểm thi tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) lại cao hơn thì có thể đổi tổ hợp xét tuyển thành A01 (do HUTECH áp dụng 4 tổ hợp cho mỗi ngành xét tuyển). Việc thay đổi này có thể thực hiện online, thí sinh chỉ cần xem kỹ tổ hợp môn xét tuyển trước khi điều chỉnh.
Trường hợp đặt NV1 vào ngành (hay trường) có điểm sàn vừa bằng điểm xét tuyển của bản thân, thí sinh nên chọn thêm một vài NV vào ngành yêu thích ở các trường có điểm sàn và điểm chuẩn hằng năm thấp hơn một chút để tăng cơ hội.
Chẳng hạn, thí sinh ở khoảng 19 - 20 điểm thích nhóm ngành Kinh tế - Quản trị có thể chọn một số ngành của ĐH Kinh tế, hay các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing... của HUTECH.
Trúng tuyển "đúng ngành" là điều kiện cần để học đại học hiệu quả, thay vì "gồng mình" học những ngành mà bản thân không hứng thú.
Bên cạnh điều chỉnh NV xét tuyển, thí sinh có thể linh hoạt kết hợp các phương thức xét tuyển riêng để tăng cơ hội.
Ghi nhận tại HUTECH ngày 19-7, sau khi công bố điểm sàn, nhiều thí sinh, phụ huynh đã chọn thêm phương thức xét tuyển học bạ tại trường. Một phụ huynh tại quận 6, TP.HCM cho biết: "Con tôi xét NV vào HUTECH ngành Công nghệ thông tin, nhưng điểm sàn năm nay cao nên muốn nộp xét thêm học bạ nữa. Tôi có tìm hiểu thấy môi trường đào tạo ở HUTECH khá tốt, học công nghệ thông tin ra có thể làm việc ở nhiều công ty lớn nên cũng mong con đậu vào được".
Thêm phương thức xét tuyển, thêm cơ hội đại học cũng là lựa chọn chung của nhiều thí sinh tại HUTECH thời điểm này.
Được biết, HUTECH hiện nhận hồ sơ xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn cho tất cả các ngành đào tạo tại trường, mức điểm nhận hồ sơ từ 18 - 24 điểm tùy theo ngành và tổ hợp xét tuyển; thời gian nhận hồ sơ đến 31-7.
Với 42 ngành đào tạo trên nhiều lĩnh vực như kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - quản trị, khoa học sức khỏe, khoa học xã hội, ngoại ngữ, kiến trúc - mỹ thuật ứng dụng..., phương thức xét tuyển học bạ tại HUTECH giúp thí sinh có thể học tập đúng ngành yêu thích, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả một kỳ thi duy nhất.
Nhất là với những thí sinh chưa may mắn đạt điểm sàn hay chỉ hơn điểm sàn không đáng kể, phương thức xét tuyển học bạ chính là lựa chọn tối ưu để thực hiện ước mơ vào đại học.
BÌNH LUẬN