Trần Thị Phương Thảo (bìa phải) - chủ nhân của giải Nhì giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp bộ
Chủ nhân của giải thưởng là Trần Thị Phương Thảo, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật môi trường thuộc Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH với đề tài "Khảo sát hiện trạng và đánh giá dư lượng của Glyphosate trong các trang trại trồng nho huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận".
Báo động "thực phẩm bẩn" thúc đẩy nghiên cứu
Có thể nói chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại đáng báo động và được xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay. Trước thực trạng này, những đề tài bám sát thực tế, đánh giá hiện trạng lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
Phương Thảo đã chọn huyện Tuy Phong - khu vực cung cấp sản lượng nho lớn nhất tỉnh Bình Thuận cũng như cả nước, để khảo sát dư lượng Glyphosate trong đất, nước và trái nho.
Được biết, Glyphosate là hoạt chất có trong thuốc diệt cỏ được sử dụng rất phổ biến nhưng hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, quy chuẩn về hàm lượng trong nông sản và trong môi trường tự nhiên.
Theo kết quả khảo sát nêu trong đề tài, tại 12 trang trại trồng nho ở huyện Tuy Phong, Phương Thảo ghi nhận có 10 trang trại sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất này. Thậm chí, lượng thuốc mà các hộ nông dân sử dụng cao hơn khoảng 2 lần so với khuyến cáo.
Đối chiếu kết quả thu nhận được với các tiêu chuẩn, số liệu thu được đều vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Cụ thể, Glyphosate trong đất vượt từ 5-13 lần mức cho phép của quy chuẩn do Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành và trong nước ngầm vượt từ 10-191 lần so với tiêu chuẩn của EU.
Phòng thí nghiệm hiện đại của HUTECH là nơi Phương Thảo thực hiện đề tài nghiên cứu
Qua khảo sát thực tế, lấy mẫu và phân tích, có thể thấy thực trạng dư hàm lượng Glyphosate trong trái nho, đất và nước rất đáng báo động đối với sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Sinh viên Trần Thị Phương Thảo chia sẻ: "Theo ý kiến người dân, hiện chưa ghi nhận ảnh hưởng sức khỏe từ Glyphosate nhưng các trang trại ở huyện Tuy Phong hiện đang sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, quá liều lĩnh ở mức đáng báo động. Điều này nếu kéo dài sẽ là mối nguy hại đối với con người, môi trường và nông sản Việt".
Kỳ vọng về những "vườn nho sạch"
Từ kết quả khảo sát thực tế, đề tài của nữ sinh viên HUTECH không chỉ đánh giá dư lượng độc tính của Glyphosate trong các trang trại trồng nho tại huyện Tuy Phong mà còn chỉ ra tình trạng đáng lo lắng của sản phẩm nông nghiệp Việt.
Đây là cơ sở quan trọng để các chuyên gia và các cấp chính quyền xây dựng nên tiêu chuẩn về ngưỡng cho phép của Glyphosate nói riêng và các hoạt chất khác nói chung trong sản xuất nông nghiệp.
Song song với những đóng góp trên, đề tài còn được đánh giá cao bởi ý nghĩa xã hội mà nó có thể mang lại đối với người nông dân và người tiêu dùng.
Mặt khác, đối với môi trường tự nhiên, nếu hoạt chất Glyphosate được sử dụng đúng quy định, ngoài sản phẩm mong đợi là những vườn nho sạch, sẽ còn góp phần hạn chế đáng kể tình trạng ô nhiễm đất và mạch nước ngầm.
Một nhân tố rất quan trọng âm thầm làm nên thành công của Phương Thảo là người hướng dẫn đề tài - PGS.TS. Thái Văn Nam - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH.
Chia sẻ về người dìu dắt mình trên con đường nghiên cứu khoa học, Phương Thảo cho biết: "Thầy là người đã hỗ trợ và giúp đỡ em rất nhiều về mặt học thuật cũng như động viên, khích lệ tinh thần trong lúc gặp khó khăn. Nhờ sự nghiêm khắc của thầy mà đề tài nghiên cứu này mới được hoàn thành một cách chỉn chu nhất".
PGS.TS.Thái Văn Nam - Giảng viên hướng dẫn của Phương Thảo tại Lễ trao giải nghiên cứu khoa học cấp bộ
Được biết, Viện Khoa học Ứng dụng năm nay chiếm 50% trên tổng số giải thưởng mà HUTECH xuất sắc giành được tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2018: 01 giải Nhất, 04 giải Nhì và 02 giải Ba và 04 giải Khuyến khích.
Với thành quả này, Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH tiếp tục năm thứ 3 được vinh dự nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, góp phần to lớn cho vị trí giải Nhì toàn đoàn của sinh viên HUTECH tại giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá này.
BÌNH LUẬN