Hội nghị lần này có sự tham gia của 283 đại biểu đến từ 31 quốc gia trên khắp thế giới. Song song với hoạt động trao đổi học thuật, trong thời gian diễn ra hội nghị, một hoạt động thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo các đại biểu đó là cuộc thi CDIO Academy dành cho sinh viên (SV) các trường kỹ thuật là thành viên của Hiệp hội CDIO.
Cuộc thi CDIO Academy năm nay thu hút hơn 30 SV đến từ các trường thành viên của Hiệp hội CDIO tham gia tranh tài. Chủ đề của cuộc thi năm nay là làm thế nào để thu hút khách du lịch và tạo ra trải nghiệm hạnh phúc cho họ khi du lịch bằng tàu biển dài ngày - Cruise Ship.
Chủ đề của cuộc thi hướng đến việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, bền vững đối với ngành công nghiệp đóng tàu biển du lịch, dự đoán và đáp ứng các nhu cầu của hành khách đối với loại hình du lịch đặc thù này trong tương lai, ở năm 2025.
So với các năm trước, cuộc thi năm nay, SV không được chuẩn bị trước dự án của riêng mình và không đi theo đội riêng của trường mình mà được chia vào các nhóm với thành viên là SV đến từ các trường khác nhau. SV tham gia cuộc thi phải hoàn thành chung 5 nhiệm vụ trong vòng 5 tuần trước khi cuộc thi diễn ra. Các nhiệm vụ được Ban Tổ chức đưa ra vào mỗi thứ sáu hằng tuần.
Ở vòng thi tập trung, toàn bộ SV được tập trung tại một chỗ, và BTC chia SV thành các đội gồm 4-5 thành viên đến từ các trường khác nhau. Việc sắp xếp các thành viên đến từ các trường khác nhau trên thế giới vào một đội nhằm mục đích đánh giá khả năng thích nghi làm việc trong môi trường quốc tế cũng như kỹ năng làm việc nhóm của người kỹ sư sau này. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mô hình giảng dạy CDIO hướng đến. Chỉ trong vòng 3 ngày, các đội đã thực hiện các nhiệm vụ nhằm giải quyết bài toán mà cuộc thi đặt ra bao gồm:
- Ngày 1: Xây dựng đội hình, hình thành ý tưởng (xây dựng ít nhất 20 ý tưởng) và sử dụng mô hình NABC nhằm nhận biết nhu cầu của người dùng cũng như đánh giá các ý tưởng đưa ra.
- Ngày 2: Thiết lập các giá trị của giải pháp và sử dụng các Nguyên lý Tinh gọn (Lean Principles) khi xây dựng giải pháp.
- Ngày 3: Xây dựng bài thuyết trình cùng sản phẩm demo (prototype) và trình bày trước Hội đồng Giám khảo.
Hội đồng Giám khảo CDIO Academy năm nay bao gồm các nhà quản lý đến từ các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Phần Lan cũng như các nhà giáo dục về CDIO như: Jaana Hanninen - Giám đốc Môi trường Mayer, Turku; Marja Keiramo - Giám đốc Quản trị Kinh doanh Royal Caribbean Cruises Ltd.; Konsta Weber - Giám đốc Boost, Turku; Matt Murphy - ĐH Liverpool; và Kenneth Ekman - CEO CrisolteQ.
Trường ĐH Duy Tân tham gia cuộc thi với 3 thành viên gồm: Nguyễn Công Đức - K18 Dược, Tôn Thất Bình - K19 Công nghệ Phần mềm chuẩn CMU và Đào Hải Việt - K21 Du lịch chuẩn PSU.
Kết quả cuối cùng, dự án SHIPBOTS của nhóm SV Tôn Thất Bình (chuyên ngành Công nghệ Phần mềm chuẩn CMU - ĐH Duy Tân, Việt Nam), Yvonne Chia (chuyên ngành Business Information Technology - Singapore Polytechnic), Aarynjeet Singh Travis (chuyên ngành Mechatronics & Robotics - Singapore Polytechnic), Igor Zagorodny (chuyên ngành Thermal Power Plant - Siberian Federal University, Nga) và Tanvi Torane (chuyên ngành Chemical Engineering - ĐH Calgary, Canada) đã xuất sắc giành Winner Cup cuộc thi CDIO Academy 2016.
Dự án SHIPBOTS bao gồm các ý tưởng về việc xây dựng:
- Một ứng dụng kết hợp phần cứng và phần mềm hợp nhất cho mỗi hành khách lên tàu, phục vụ toàn bộ nhu cầu của khách du lịch;
- Hệ thống vận chuyển tự động dành cho các dịch vụ trên tàu;
- Tường 3D (phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí);
- Máy bay không người lái, phục vụ việc chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ trên tàu;
- Thành lập liên minh giữa các công ty vận tải tàu biển khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng chung các dịch vụ kể trên.
Với các kỹ năng và sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực Công nghệ Phần mềm, chỉ trong vòng một ngày, SV Tôn Thất Bình đã xây dựng thành công phiên bản phần mềm demo ứng dụng hợp nhất giúp phục vụ toàn bộ nhu cầu của hành khách du lịch trên tàu Cruise Ship.
Chính sự thành công trong việc xây dựng prototype của SV Tôn Thất Bình đã giúp cả nhóm giành giải cao nhất tại cuộc thi năm nay. SV Bình cũng là người đã chuyên chở phần lớn nội dung trình bày trước toàn thể Ban Giám khảo và Hội nghị nhờ kỹ năng thuyết trình tiếng Anh lưu loát của mình.
Tiếp nối thành công trong những năm gần đây trên đấu trường quốc tế như: CDIO Academy Cup 2013 ở Harvard và MIT, Vô địch cuộc thi Làm nhà chống động đất ở Đài Loan IDEERS 2014, Microsoft Imagine Cup 2016 ở Việt Nam, Á quân "Go Green” khu vực Đông Á…, chiến thắng lần này của SV Trường ĐH Duy Tân tại Phần Lan một lần nữa khẳng định năng lực cạnh tranh cũng như khả năng hội nhập quốc tế của SV ĐH Duy Tân. Kết quả này đã khẳng định sự thành công và đúng đắn của nhà trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ thuật theo định hướng tiếp cận CDIO cũng như áp dụng các chuẩn mực quốc tế từ các chương trình hợp tác quốc tế với các ĐH uy tín của Hoa Kỳ.
BÌNH LUẬN