Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ kết thúc vào lúc 17h ngày 20-8. Thí sinh nên kiểm tra lại nguyện vọng, đồng thời lưu ý một số nội dung dưới đây.
Đây là điểm lưu ý đầu tiên mà nhiều thí sinh dễ dàng sơ suất bỏ qua. Thí sinh cần ghi chính xác thông tin gồm mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển (đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo bài thi/môn thi, hoặc phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn).
Sau khi đăng ký, các bạn có thể thoát khỏi hệ thống rồi đăng nhập lại để kiểm tra chính xác. Thí sinh muốn đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng hoặc kiểm tra thông tin đăng ký nên thực hiện sớm chứ không đợi đến ngày cuối cùng (17h ngày 20-8).
Do tâm lý nhiều thí sinh muốn kiểm tra hoặc bổ sung lần cuối sát "giờ G", nhiều tài khoản thực hiện đăng ký cùng một thời điểm có thể sẽ khiến hệ thống bị nghẽn, dễ xảy ra lỗi kỹ thuật.
Theo quy chế, thí sinh sẽ được công nhận trúng tuyển ở nguyện vọng mà các bạn đủ điều kiện về điểm trúng tuyển, đồng thời đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Thí sinh đã trúng tuyển một nguyện vọng thì không tiếp tục xét các nguyện vọng tiếp theo. Vì vậy, thí sinh nên dành nguyện vọng ở các vị trí ưu tiên cho các ngành, trường mà mình yêu thích nhất.
Để xác định thứ tự ưu tiên, các bạn cũng nên tìm hiểu khái quát về định hướng đào tạo, chính sách học bổng, học phí, môi trường ngoại khóa, hoạt động kết nối doanh nghiệp để có thêm căn cứ "chốt" trường, đảm bảo thuận lợi trong suốt quá trình học đại học.
Đối với thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ hay xét tuyển điểm thi ĐGNL, nếu đã trúng tuyển đúng ngành yêu thích, các bạn hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng đã trúng tuyển này vào vị trí nguyện vọng 1 để chắc chắn trúng tuyển chính thức.
Dù chọn phương thức xét tuyển nào, thí sinh cũng cần ưu tiên cho ngành yêu thích nhất - điều kiện tiên quyết để học tốt ở đại học. Nếu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nên tham khảo điểm sàn, điểm chuẩn của ngành và trường mình chọn trong 2-3 năm liên tục để chọn nguyện vọng phù hợp với điểm xét tuyển của bản thân.
Trường hợp quá yêu thích một ngành nhưng điểm xét tuyển chỉ vừa bằng sàn, các bạn nên chọn thêm nguyện vọng vào ngành đó ở các trường khác có điểm sàn thấp hơn hoặc điểm chuẩn dự kiến ít biến động hơn.
Như với các ngành kinh tế, thí sinh có điểm xét tuyển 20 điểm thì ngoài ĐH Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật có thể chọn HUTECH, UEF,... Hoặc với các ngành "hot" thuộc nhóm Khoa học xã hội như Ngôn ngữ Anh, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ quốc tế thí sinh đạt 20 điểm ngoài ĐH KHXH&NV có thể chọn nguyện vọng vào HUTECH. "Dự phòng" nguyện vọng hợp lý sẽ giúp thí sinh nắm chắc cơ hội trúng tuyển.
Tâm lý chung của nhiều thí sinh là ưu tiên cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, còn các phương thức xét tuyển sớm là "phương án 2". Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần ghi đầy đủ các nguyện vọng đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vào danh sách nguyện vọng xét tuyển.
Nếu bỏ sót không ghi thì kết quả xét tuyển đó không còn được công nhận (kể cả nếu các bạn không trúng tuyển theo các nguyện vọng khác đã đăng ký trên hệ thống), thí sinh coi như lỡ mất một cơ hội.
Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần tiếp tục lưu ý mốc thời gian từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8. Trong thời gian này các bạn phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống; đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến.
BÌNH LUẬN