Ngày 24-6 vừa qua, Viện Kỹ thuật Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tiếp nhận 2 Robot công nghiệp và khánh thành phòng thí nghiệm AI được tài trợ bởi công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam (MEVN).
Đồng hành cùng trường trong lễ bàn giao có các đại diện cấp cao từ Mitsubishi Electric Việt Nam như ông Kiyotake Kitamura - Giám đốc phòng thiết bị công nghiệp; ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc phòng kế hoạch; ông Trần Đức Anh - Trưởng phòng phát triển kế hoạch; ông Trần Ngọc Tùng - Chuyên gia Robot cùng các chuyên gia kỹ thuật.
TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng HUTECH bày tỏ niềm vui tại buổi lễ: "Kết nối doanh nghiệp và không ngừng cập nhật, nâng cao chất lượng trang thiết bị phục vụ đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo môi trường học tập hiện đại cho sinh viên.
Những thiết bị hiện đại mà nhà trường tiếp nhận từ Mitsubishi Electric Việt Nam là sự hỗ trợ quý báu, giúp tăng cường kỹ năng thực hành, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Kết hợp kiến thức từ sách vở và rèn luyện thực hành thực tiễn chính là "phương châm vàng" của trường, giúp sinh viên tự tin và mạnh dạn "ra nghề".
Được biết, MEVN tài trợ phòng thí nghiệm gồm các thiết bị hiện đại bậc nhất của MEVN trị giá gần 1,5 tỉ đồng. 2 robot công nghiệp được trao tặng gồm Robot 4 bậc tự do MELFA RH-3FRH và Robot 6 bậc tự do MELFA RV-2FR.
Đây là những thiết bị trực tiếp tham gia sản xuất công nghiệp và có khả năng hỗ trợ tốt cho các học phần kỹ thuật, điện, điện tử và tự động hóa cho sinh viên. Được biết, với sự hiện đại về công năng lẫn thiết kế, các thiết bị này hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác sản xuất công nghiệp, giúp tiết kiệm nhiên liệu, nhân lực và thời gian.
Hệ thống phòng thí nghiệm AI được MEVN tài trợ hứa hẹn sẽ phục vụ tích cực cho công tác học tập và nghiên cứu của sinh viên Viện Kỹ thuật HUTECH.
Với định hướng xem doanh nghiệp không chỉ là đối tác mà còn là một phần trong quá trình đào tạo của nhà trường, bên cạnh các giờ học chính quy sinh viên trường còn thỏa sức "vi vu" khắp các doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên môn của mình.
Việc thường xuyên tham quan học tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp không những tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kiến thức, phát triển kỹ năng chuyên môn mà còn cập nhật nhanh chóng và liên tục nhu cầu tuyển dụng, tình hình phát triển của ngành cũng như những yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
Từ đó định hình kế hoạch học tập, nghiên cứu và trang bị "vũ khí" phù hợp với định hướng của bản thân, sẵn sàng chinh phục các nhà tuyển dụng.
Với sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, những vị khách mời đặc biệt xuất hiện trong những hội thảo, talkshow giao lưu, trao đổi chuyên môn chính là các chuyên gia đến từ Mitsubishi Electric Việt Nam, Mitsubishi Motors Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford, CarTek, Dothanh Auto,...
Hay sự góp mặt của hàng chục doanh nghiệp lớn tại các buổi lễ bảo vệ đồ án và tuyển dụng "HUTECH Techshow" diễn ra hàng năm cũng là minh chứng quan trọng cho việc tăng cường kết nối doanh nghiệp, tạo giảng đường "thực chiến" cho sinh viên nhóm ngành này.
Cụ thể như đại lý ủy quyền Mitsubishi Motors Việt Nam, công ty TNHH Toyota An Sương, công ty TNHH Máy Công cụ và Phụ tùng Vina (Vinamachines), công ty TNHH Panasonic AVC Vietnam, công ty TNHH Kỹ thuật NK, công ty CP Pacifico Energy Việt Nam, công ty CP Thành Thiên,...
Đánh giá cao hoạt động hợp tác doanh nghiệp của HUTECH trong quá trình đào tạo, ông Kiyotake Kitamura thể hiện thiện chí và kỳ vọng: "Hy vọng sự đóng góp của chúng tôi sẽ phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ra thế hệ kỹ sư trẻ sáng tạo, tài năng trong tương lai để viết nên chương mới cho nền kỹ thuật, công nghiệp Việt Nam".
Có thể thấy, sự đồng hành sát sao của doanh nghiệp trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên tại trường tạo ra một giảng đường thực tiễn và năng động, giúp người học thỏa sức khám phá và thể hiện bản thân. Thắt chặt liên kết nhà trường - doanh nghiệp cũng là một trong những đề án phát triển giáo dục quan trọng của Việt Nam trong xu hướng phát triển bền vững.
BÌNH LUẬN