Trong rất nhiều ngành học xoay quanh nhiệm vụ ‘sống còn’ với thương hiệu, ngành Quan hệ công chúng (Public Relations - PR) là một trong những lựa chọn hàng đầu của gen Z hiện nay. Nhưng cùng với những ấn tượng ban đầu ấy, hành trình chinh phục ngành học này cũng còn nhiều ‘bí ẩn’.
"Quan hệ công chúng là... làm việc với công chúng, để công chúng hiểu về thương hiệu" - đó là suy nghĩ đầu tiên của không ít người. "Mà nếu như thế thì Quan hệ công chúng chắc cũng như Truyền thông, Quảng cáo còn gì?". Sự nhập nhằng này chính là một trong những khó khăn không chỉ Z-ers, mà cả người trong nghề cũng nhiều khi phải đối diện.
Trên thực tế, Quảng cáo được hiểu là hoạt động của doanh nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá, thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm, giúp tăng mức tiêu thụ sản phẩm. Truyền thông đa phương tiện thiên về ứng dụng công nghệ trong sáng tạo, thiết kế, xây dựng những sản phẩm đa phương tiện trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin,...).
Còn với Quan hệ công chúng, TS Vũ Quốc Anh - Trưởng Khoa Khoa học xã hội & Quan hệ công chúng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - lý giải: "Quan hệ công chúng là "dùng người khác để nói về mình". Người làm PR sẽ xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các thành phần công chúng của họ bằng các chiến dịch quảng cáo, quản trị thông tin, dự án truyền thông, hợp tác, với mục đích xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu".
Như thế, người học và làm Quan hệ công chúng chính là người "giữ hồn" thương hiệu, lan tỏa tinh thần và bản sắc thương hiệu trong một thời gian tương đối lâu dài, chứ không chỉ gắn với một sản phẩm quảng cáo hay một chiến dịch truyền thông ngắn hạn.
Để làm được điều đó, sinh viên ngành Quan hệ công chúng sẽ được trang bị kiến thức mang tính "dài hơi" như Chiến lược PR tương ứng với từng loại hình thương hiệu cụ thể, Văn hóa tổ chức, Xây dựng kế hoạch chiến lược Truyền thông Marketing tổng hợp (Integrated Mar-keting Communication - IMC),... lẫn các học phần ứng dụng như Mega Event, Khai thác thông tin dư luận, Sản xuất sản phẩm truyền thông, Video - radio marketing ứng dụng,... Chương trình đào tạo toàn diện giúp các bạn vừa có cái nhìn tổng quan vừa có hiểu biết nhất định và có thể tham gia sản xuất một số sản phẩm cụ thể hỗ trợ cho mục tiêu Quan hệ công chúng.
Khái niệm "khủng hoảng truyền thông" thật ra không mới, tuy nhiên trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi thương hiệu (gồm cả thương hiệu cá nhân) đều nhạy cảm hơn trước khủng hoảng - do tính đa chiều, khó kiểm soát của thông tin đại chúng. Thêm vào đó, sự lan tỏa bề rộng của các mạng xã hội khiến tình trạng "lửa cháy lan" càng dễ xảy ra.
"Quản trị khủng hoảng, nghe đúng là căng thẳng vì không ai muốn gặp khủng hoảng, dù trong cuộc sống hay công việc. Nhưng đối với chuyên gia PR, họ sẽ có cách nghĩ khác bản lĩnh hơn, nhìn nhận vấn đề khách quan, bình tĩnh hơn. Họ sáng suốt, sáng tạo và từ đó đưa ra giải pháp tổ chức vượt qua khủng hoảng một cách thành công. Xử lý khủng hoảng là một kỹ năng chiến lược mà các chuyên gia được đào tạo, tự đào tạo và trưởng thành ngày qua ngày. Do đó, hãy xem đây là một công việc sáng tạo hơn là xem đó như áp lực", ThS Huỳnh Nguyễn Kim Phượng (Chủ nhiệm ngành Quan hệ công chúng HUTECH) cho biết.
Cảm giác mỗi khi giải quyết khủng hoảng hoặc tổ chức sự kiện xong, tuy áp lực nhưng lại là một cảm giác rất hưng phấn và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, thấy bản thân trưởng thành, bình tĩnh hơn rất nhiều. Chính từ kỹ năng giải quyết khủng hoảng truyền thông, các bạn không chỉ trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn học được kỹ năng giải quyết được nhiều vấn đề khác trong cuộc sống cá nhân.
Và hẳn nhiên, bên cạnh các chiến lược quản trị khủng hoảng, ngành học này cũng mang đến cho sinh viên nhiều công việc khác không kém phần thú vị như tổ chức sự kiện, xây dựng mối quan hệ cùng người nổi tiếng, báo chí, thiết kế truyền thông... Sinh viên Quan hệ công chúng có thể phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ, lên chiến lược truyền thông, quảng cáo, marketing, phát triển thương hiệu doanh nghiệp... hoặc có thể làm việc tại tòa soạn, đài phát thanh, đài truyền hình trong vai trò phóng viên, biên tập viên, MC...
Cùng với nền tảng chuyên môn, môi trường đại học sôi nổi với nhiều hoạt động ngoại khóa, các học phần kỹ năng rèn luyện tư duy, tinh thần làm việc linh hoạt, chịu được áp lực cao cùng với nhiều kỹ năng mềm hữu ích như làm việc nhóm, quản lý thời gian sẽ giúp sinh viên lên kế hoạch, tổ chức sự kiện và xử lý các tình huống phát sinh hiệu quả. Đây cũng là một kiểu tích lũy “ngày qua ngày” để trở thành những chuyên gia PR vững vàng.
Như tại HUTECH, các chuyên gia tương lai của ngành Quan hệ công chúng không chỉ học với giảng viên của trường mà có sự đồng hành của doanh nghiệp, các “tiền bối” trong nghề - trong các buổi tham quan thực tế, học cùng chuyên gia. Chẳng hạn, với mô hình Cà phê cùng chuyên gia, sinh viên vừa mới “vi vu” đến quán cà phê lắng nghe chuyên đề “Phương pháp làm việc cùng KOLs” được dẫn dắt bởi chị Kim Liên (Trưởng Phòng Truyền thông Công ty TNHH Early Morning), học hỏi kinh nghiệm làm việc cùng KOLs, tích lũy kiến thức về các xu hướng quảng cáo thịnh hành, phương án quảng bá phù hợp,...
Sinh viên Trần Gia Huy (sinh viên năm nhất) chia sẻ: “Sự kiện giúp em mở mang tầm nhìn về kiến thức và kỹ năng hợp tác với KOLs. Cô chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, giúp em và các bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp, học cách xây dựng các mối quan hệ và giải quyết tình huống trong làm việc”.
Những thử thách khác dành cho sinh viên Quan hệ công chúng HUTECH là tổ chức sự kiện, truyền thông sự kiện... Các bạn còn có thể tăng cường theo đuổi sở thích, tự mình trở thành một KOL qua các sân chơi năng khiếu như Miss HUTECH, HUTECH’s Talent hoặc các CLB năng khiếu do các nghệ sĩ chuyên nghiệp đồng hành hướng dẫn. “Dấn thân” trong một môi trường như thế chính là điều kiện cần để sinh viên tăng cường bản lĩnh, rèn sắc kỹ năng mềm và xây dựng thêm những mối quan hệ cần thiết.
BÌNH LUẬN