Theo giảng viên Đại học RMIT Tiến sĩ Jackie Ong, du lịch thông minh có thể thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng và nâng cao tính cạnh tranh lâu dài cho các điểm đến du lịch Việt Nam.
Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào các hệ thống công nghệ tiên tiến để xây dựng các thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân.
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị Du lịch và Khách sạn Đại học RMIT Tiến sĩ Jackie Ong nhận định: "Song song với xu hướng toàn cầu này, nhiều điểm du lịch cũng đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực".
Theo bà, các điểm đến hiện đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam, Barcelona, Dubai, London, Melbourne, New York, Oslo, Singapore và Tokyo.
Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp.
Tiến sĩ Ong quan sát thấy trong đại dịch COVID-19, việc sử dụng công nghệ thông minh thậm chí còn trở nên phổ biến hơn.
"Nhiều điểm đến hiện đang sử dụng trí thông minh nhân tạo, dùng robot thay con người làm những công việc lao động chân tay trong khách sạn, nhà hàng và công viên giải trí. Một số nơi cũng phát triển tour du lịch ảo hoặc thực tế tăng cường bên cạnh các tour thực tế", bà chia sẻ.
Tiến sĩ Ong cho biết: "Nhiệm vụ hiển nhiên đầu tiên mà các điểm du lịch Việt Nam cần thực hiện là đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ năm yếu tố quan trọng của du lịch, thường được gọi theo năm chữ A trong tiếng Anh gồm: Accessibility - khả năng tiếp cận điểm đến, Attractions - thắng cảnh, Activities - hoạt động, Amenities - cơ sở tiện nghi, và Ancillary services - các dịch vụ hỗ trợ".
Tuy nhiên, du lịch thông minh không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.
"Một yêu cầu quan trọng là phải có nguồn nhân lực thông minh để quản trị du lịch thông minh. Lãnh đạo và quản lý cấp cao trong tương lai của ngành du lịch cần được trang bị hiểu biết về công nghệ, tư duy phản biện, quản trị và phân tích, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, để đưa ra những giải pháp tích cực cho các vấn đề phát triển bền vững toàn cầu", Tiến sĩ Ong khẳng định.
Nói đến đây phải nhắc đến vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo. Ví dụ như ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT, sinh viên được hưởng lợi từ chương trình học đặt trọng tâm vào tính bền vững, phương pháp đánh giá năng lực dựa trên bài tập và tình huống thực tế, và mô hình "học đi đôi với hành" trong tất cả các môn học.
Nói về chương trình giảng dạy, ngành học liên tục đưa vào các bài đánh giá dự án với ngày càng nhiều nội dung liên quan đến phân tích dữ liệu và kinh doanh số, nhằm chuẩn bị cho sinh viên hội nhập vào kỷ nguyên số thông minh.
Thêm vào đó, nhà trường cũng làm việc với các đối tác doanh nghiệp để bổ sung những vị trí thực tập mới bên cạnh các công việc truyền thống làm trực tiếp tại khách sạn. Trong đó phải kể đến các vị trí kinh doanh trực tuyến, quản trị sự kiện trực tuyến, và tư vấn liên quan đến xu hướng quản trị du lịch và khách sạn thông minh.
Theo Tiến sĩ Ong, "tất cả những chiến lược trên đều phản ánh và củng cố các phương cách làm du lịch và quản trị thông minh. Khi được phối hợp với nhau, chúng có thể hỗ trợ mục tiêu cuối cùng của du lịch thông minh, đó là nâng cao hiệu quả trong quản trị nguồn lực, tối đa hóa tính cạnh tranh và nâng cao tính bền vững thông qua việc sử dụng công nghệ và thông lệ mới".
BÌNH LUẬN