Tại diễn đàn 'Triển vọng nghề nghiệp ngành hàng không' do Đại học RMIT tổ chức ngày 13-7, các chuyên gia Việt Nam và Úc nhận định rằng đã đến lúc Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân tài cần thiết để phát huy hết tiềm năng của ngành hàng không.
Trên thực tế tại Việt Nam, ngành dịch vụ cốt lõi này đã chứng kiến "tăng trưởng vượt bậc trước COVID-19 nhờ hoạt động du lịch gia tăng và kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn", nhận định của ông Dương Trí Thành, cựu Tổng Giám đốc Vietnam Airlines tại diễn đàn.
Các lãnh đạo đầu ngành cũng nhấn mạnh đến nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân sự phát triển và quản lý sân bay trong thời gian tới. Các kế hoạch đại tu cơ sở hạ tầng hàng không vẫn đang được triển khai tại Việt Nam và được xem là nhiệm vụ trọng yếu của quốc gia.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định rằng quy mô đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng hàng không cũng như tiềm năng tăng trưởng của các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu cho thấy nhu cầu cao đối với nhân sự liên quan đến các lĩnh vực này.
Chính vì tính chất đặc thù mà ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề từ những hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngành này được dự báo sẽ hồi sinh đầu tiên và nhanh nhất vì tính thiết yếu của nó đối với các nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành hàng không phải hoàn toàn sẵn sàng khi đại dịch kết thúc.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương: "Thị trường lao động hàng không có phần mở hơn nhưng chưa thực sự phát triển xứng với tiềm năng của nó, cả về đầu vào lẫn đầu ra. Nghề nghiệp hàng không như phi công, tiếp viên, kỹ sư, cán bộ quản lý chuyên môn… khi trở thành một nghề được đào tạo ở các trường đại học, đào tạo nghề chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ mang tới nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của ngành".
Giáo sư Pier Marzocca, Phó trưởng khoa Kỹ thuật Vũ trụ và Hàng không thuộc Phân viện STEM, Đại học RMIT, cho biết: "Để phục hồi bền vững, ngành hàng không rất cần nhân tài phù hợp để quản lý và vận hành toàn bộ hệ sinh thái ngành. Nếu Việt Nam đào tạo thành công nhân tài đạt tiêu chuẩn quốc tế thì trong tương lai gần, Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu cung cấp lao động kỹ năng cao trong lĩnh vực này trước hết cho khu vực và sau đó là toàn cầu".
Giáo sư Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số của Đại học RMIT, tin tưởng rằng "với 80 năm kinh nghiệm học thuật và danh tiếng trên toàn thế giới trong lĩnh vực giáo dục-nghiên cứu hàng không và hàng không vũ trụ, nhà trường sẵn sàng nắm bắt cơ hội chiến lược này để dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng không trong khu vực".
"Đây là một năm quan trọng đối với nhà trường bởi chúng tôi đã ra mắt Trung tâm Công nghiệp vũ trụ RMIT. Chúng tôi cũng đang sở hữu và vận hành đội máy bay để đào tạo phi công lớn nhất trong tất cả các trường đại học ở Úc", Giáo sư Subic cho biết.
Nhân dịp ra mắt chương trình Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) tại Việt Nam, nhà trường tổ chức diễn đàn ngành hàng không nhằm giúp các chuyên gia và người làm công tác giáo dục trong lĩnh vực hàng không kết nối và tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của ngành, cũng như thúc đẩy việc đưa ra các chính sách cần thiết để dẫn dắt sự phát triển của ngành.
Xem thêm về chương trình tại đây: https://bitly.com.vn/caxze7
BÌNH LUẬN